Tìm hiểu về quá trình mọc răng và cách giúp trẻ dễ chịu hơn

17:24 20/02/2023

Mọc răng sữa ở trẻ là một dấu mốc phát triển đáng chú ý, bởi lẽ đây có thể là quãng thời gian khó chịu ở không ít trẻ lẫn cha mẹ. Tuy nó không phải vấn đề bệnh lý nhưng cũng khiến trẻ đau sốt, quấy khóc không khác gì khi bị bệnh. Việc hiểu và dự đoán được những thay đổi có thể xảy ra cùng cách giúp trẻ bớt đau sẽ giúp các bậc phụ huynh kiểm soát giai đoạn này dễ dàng hơn. Xin mời cùng tham khảo bài viết sau để biết thêm chi tiết.

 

Tìm hiểu về quá trình mọc răng của trẻ

Quá trình mọc răng

   Quá trình mọc răng bắt đầu từ khi trẻ được 3 tháng tuổi. Nhưng ta thường quan sát thấy chiếc răng đầu tiên bắt đầu nhú lên khỏi lợi khi trẻ từ 4-7 tháng tuổi.

   Những chiếc răng đầu tiên xuất hiện thường là 2 chiếc răng cửa giữa của hàm dưới. Thường thì sau đó 4-8 tuần, 4 chiếc răng cửa hàm trên cũng nhú lên ( gồm 2 răng cửa giữa và 2 răng cửa bên). Rồi thêm 1 tháng sau sẽ đến lượt những chiếc răng cửa bên ở hàm dưới (2 chiếc răng cạnh răng cửa giữa dưới) mọc lên.

   Mọc sau răng cửa là răng cối sữa (loại răng hàm dùng để nghiền thức ăn) rồi cuối cùng là răng nanh (răng nhọn ở hàm trên, nằm sát răng cửa bên). Mỗi lần mọc thường cách nhau từ 1 đến 2 tháng. Hầu hết trẻ em sẽ đều có đủ 20 răng sữa trước sinh nhật lần thứ 3. Ngược lại, nếu bé nhà bạn mọc răng chậm hơn nhiều so với tốc độ nêu trên thì bạn nên đưa bé đi khám bác sĩ chuyên khoa.

   Ngoài ra có một số trường hợp hiếm gặp, trẻ khi sinh ra đã nhú 1 hoặc 2 răng chỉ trong vài tuần sau khi sinh. Trừ khi răng mọc gây cản trở cho việc bú hoặc răng bị lung lay nhiều, tiềm ẩn nguy cơ rụng khiến trẻ nuốt phải, còn không thì điều này không đáng lo ngại. 

   Khi bắt đầu mọc răng, trẻ có thể có một số dấu hiệu như: 

- Chảy nhiều nước dãi, xung quanh cằm và vùng da miệng nổi mẩn đỏ li ti.

- Nướu có dấu hiệu sưng đỏ làm trẻ bị đau nhức, quấy khóc.

- Trẻ có xu hướng thường xuyên cắn, gặm mọi thứ xung quanh để giảm cảm giác khó chịu ở nướu răng.

- Trẻ bú kém, biếng ăn.

- Xuất hiệu triệu chứng nóng sốt nhẹ.

- Trẻ dễ cáu kỉnh, ngủ không ngon giấc.

Trẻ quấy khóc, biếng ăn

   Khi mọc răng, mặc dù đau và sưng nướu có thể khiến nhiệt độ ở trẻ cao hơn so với mức bình thường một chút, nhưng mọc răng thường không gây sốt cao hoặc tiêu chảy. Nếu con bạn bị sốt cao trong giai đoạn mọc răng, có thể triệu chứng sốt này là do một nguyên nhân khác và bạn không nên chủ quan mà hãy liên hệ, trao đổi với bác sĩ.

   Ngoài ra, có nhiều mẹo chăm sóc nhỏ sẽ giúp con bạn được dễ chịu hơn, đỡ đau và quấy khóc hơn khi mọc răng mà bạn nên tham khảo và áp dụng.

Giảm đau khi mọc răng

   Đây là một số bí quyết nhỏ bạn nên ghi nhớ và áp dụng khi con bạn mọc răng:

   Làm sạch răng miệng

   Thời gian trẻ mọc răng dễ bị chảy nhiều nước dãi. Phụ huynh cần chú ý thường xuyên dùng khăn sạch nhúng nước ấm làm sạch vùng da quanh miệng, cổ cho trẻ. Từ đó hạn chế tình trạng nổi mẩn đỏ gây đau rát, khó chịu cho trẻ.

   Bên cạnh đó, mỗi ngày cần phải dùng gạc sạch để lau sạch nướu răng cho trẻ sau khi bú và ăn dặm xong. Điều này nhằm hạn chế nguy cơ vi khuẩn hay nấm có thể sinh sôi và gây viêm nhiễm, sưng đau ở nướu.

   Cho con ăn những thức ăn mềm và tươi mát

   Để tránh các kích ứng, tác động mạnh làm cho vùng nướu răng dễ bị sưng đau, các mẹ nên cho trẻ ăn những món được nấu chín kỹ, chế biến mềm, hầm nhừ. Tránh các món cứng vì nó có thể làm triệu chứng đau nhức thêm nghiêm trọng hơn. Đồng thời nên sử dụng các nguyên liệu thực phẩm tươi mát, tránh các loại cay nóng để giúp làm dịu nướu.

   Các món mềm và tươi mát mà bạn có thể tham khảo để chế biến như: súp, cháo, khoai tây, cà rốt nghiền, sinh tố trái cây, táo xay nhuyễn,… Những món ăn này vẫn đảm bảo đầy đủ dưỡng chất mà trẻ không phải dùng lực nhai mạnh.

   Massage nướu cho trẻ

   Mát xa nướu nhẹ nhàng cũng là một mẹo nhỏ giúp trẻ giảm đau khi mọc răng được nhiều bố mẹ áp dụng. Bạn nên dùng một ít bông sạch thấm nước lạnh và nhẹ nhàng chà xát lên nướu. Ngoài ra, bạn có thể dùng các đầu ngón tay xoa bóp trong vài phút lên vùng răng sắp nhú. Tuy nhiên, bạn nhớ sát khuẩn tay sạch sẽ trước khi thực hiện để tránh tình trạng nướu bị kích ứng, nhiễm trùng,…

   Bôi gel giảm đau

   Nếu trẻ quấy khóc quá nhiều vì đau răng, cha mẹ có thể dùng một số loại gel giảm đau bôi lên vị trí mọc răng với lượng hợp lý, tránh bôi quá nhiều vì nó có thể khiến miệng trẻ bị tê, trẻ biếng ăn. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên môn trước khi thực hiện điều này.

   Sử dụng núm vú giả

   Khi mọc răng, trẻ bị ngứa lợi nên thường xuyên muốn cắn, gặm mọi thứ xung quanh để giảm cảm giác khó chịu. Thay vì để trẻ ngậm ngón tay, hoặc cho tất cả những gì trong tầm tay vào miệng, phụ huy có thể cho trẻ ngậm núm vú giả. Ngoài ra để tăng khả năng giảm đau, bạn hãy ngâm núm vú giả trong nước mát khoảng 10 phút. Lưu ý, hãy sử dụng các loại vú mua ở cơ sở uy tín, núm cần được làm bằng chất liệu an toàn, độ đàn hồi và mềm dẻo cao.

Cho trẻ ngậm núm vú giả

   Việc chăm sóc và làm sạch răng cho trẻ là rất quan trọng đối với sức khỏe răng miệng về lâu dài, không chỉ dừng lại ở những biện pháp chăm sóc nhất thời khi trẻ mọc răng. Các phụ huynh hãy tham khảo thêm tổng thể về việc chăm sóc răng miệng sau đây để hiểu rõ hơn chi tiết.

 

Vệ sinh răng miệng cho trẻ

   Mặc dù bộ răng sữa đầu tiên sẽ rụng là điều tất yếu, nhưng sâu răng sẽ làm cho chúng rụng nhanh hơn và để lộ những khoảng trống trước khi răng vĩnh viễn sẵn sàng mọc lên. Những chiếc răng sữa còn lại sau đó có thể lấn nhau để lấp những khoảng trống. Điều này có thể khiến cho răng vĩnh viễn mọc lên không thẳng và lệch chỗ. Việc chăm sóc răng miệng hàng ngày nên bắt đầu ngay cả trước khi trẻ mọc chiếc răng đầu tiên. 

  • Lau sạch nướu của trẻ hàng ngày bằng gạc ướt hoặc khăn ướt sạch. Hoặc chải nướu nhẹ nhàng bằng bàn chải đánh răng với nước (dùng loại mềm chuyên dụng cho trẻ sơ sinh và không cần dùng kem đánh răng).

  • Hãy bắt đầu dạy trẻ cách đánh răng bằng kem đánh răng khi trẻ đủ lớn để biết nhổ ra – thường là khoảng 3 tuổi. Chọn loại kem đánh răng chứa Flour. Lượng sử dụng ít nhiều phụ thuộc vào độ tuổi của trẻ. Đừng để trẻ nuốt kem đánh răng hoặc ăn nó vì dùng Flour quá liều lượng có thể gây hại cho trẻ nhỏ.

  • Khi răng của trẻ đã mọc đủ, cố gắng đánh răng ít nhất hai lần một ngày và đặc biệt là sau bữa ăn. Hãy cho trẻ làm quen với việc dùng chỉ nha khoa từ sớm cũng rất là quan trọng. Thời điểm tốt để trẻ bắt đầu dùng chỉ nha khoa là khi hai chiếc răng bắt đầu khít vào nhau. Bạn nên trao đổi với bác sĩ nha khoa để được tư vấn về việc dùng chỉ nha khoa cho răng của trẻ. Bạn cũng có thể làm cho trẻ chú ý tới thói quen chăm sóc răng bằng cách cho chúng xem và bắt chước bạn khi bạn đánh răng và dùng chỉ nha khoa.

Dạy trẻ vệ sinh răng miệng từ sớm

  • Ngăn ngừa sâu răng: Đừng để con bạn ngậm bình khi ngủ hoặc ăn các loại đồ ngọt ngay trước khi đi ngủ. Sữa hoặc nước trái cây có thể đọng trong miệng của trẻ gây sâu răng và mảng bám.

  • Cần cho trẻ đi nha sĩ khi 1 tuổi, hoặc trong vòng 6 tháng sau khi chiếc răng đầu tiên mọc lên để phát hiện những vấn đề tiềm ẩn và tư vấn cho phụ huynh về cách chăm sóc phòng ngừa.

   Mong rằng các kiến thức bổ ích trong bài viết trên sẽ phần nào giúp phụ huynh chăm sóc sức khỏe cho con của mình tốt hơn, đặc biệt là về vấn đề răng miệng. Cảm ơn đã theo dõi!