Chế độ ăn uống cho người men gan cao

14:31 23/03/2023

Chỉ số men gan là một trong những chỉ số đánh giá mức độ tổn thương của gan và các vấn đề liên quan. Men gan cao cảnh báo tình trạng viêm hoặc các tế bào gan bị tổn thương như viêm gan, xơ gan, gan nhiễm mỡ,... Một chế độ ăn uống lành mạnh rất quan trọng cho lá gan của bạn. Vậy khi bị men gan cao, bạn cần có chế độ ăn uống như thế nào để giúp hạ men gan và khôi phục chức năng của gan? Mời bạn đọc cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây

 

Chế độ ăn uống cho người men gan cao

 

Men gan cao là gì?

 

Men gan chính là các protein mà gan sản xuất, có tác dụng giúp tăng tốc độ phản ứng hóa học trong cơ thể, bao gồm: Sản xuất mật và các chất giúp đông máu, phá vỡ thức ăn và chất độc, đồng thời chống lại các nhiễm trùng.

 

Có 4 chỉ số men gan thông dụng đã được chia theo giới tính. Theo đó các chỉ số bình thường được xác định như sau:

- ALT (hay GPT): >35 UI/l ( với nam giới) và >25 UI/l (với nữ giới)

- AST (hay GOT): >35 UI/l ( với nam giới) và >25 UI/l (với nữ giới)

- GGT từ 5 - 60 UI/l

- ALP từ 35 - 115 UI/l

Khi các chỉ số này tăng vượt mức giới hạn cho phép thì được gọi là men gan cao, trong đó nếu gấp chỉ số bình thường 1 - 2 lần là ở mức độ nhẹ, gấp 2 - 5 lần là mức độ trung bình và từ 5 lần trở lên là ở mức độ nặng. Tuy nhiên, mức độ tăng cao của men gan không tương xứng với mức độ nặng của bệnh gan có nghĩa là không phải tăng men gan cao là bệnh nặng và men gan tăng ít là bệnh nhẹ.

Một số nguyên nhân gây men gan cao như: Do virus viêm gan, lạm dụng rượu bia, các bệnh lý về đường ruột, lạm dụng thuốc, chế độ ăn uống thiếu khoa học và môi trường sống ô nhiễm,...

Một số dấu hiệu khi men gan tăng cao có thể kể đến như: Vàng da; chán ăn, buồn nôn và nôn, đau bụng, mệt mỏi; sốt nhẹ; đau nhức âm ỉ tại vùng hạ sườn phải; mẩn ngứa, nổi mề đay,...

Chế độ ăn uống cho người men gan cao

Đối với người bị men gan cao thì việc xây dựng chế độ ăn uống khoa học là rất quan trọng. Người bệnh cần biết những loại thực phẩm nào nên ăn và thực phẩm nào nên kiêng, để giúp cho tình trạng men gan cao được cải thiện.

Nhóm thực phẩm mà người bệnh nên ăn

- Thực phẩm giàu axit folic:

Axit folic là một dạng vitamin B9 được tìm thấy trong các chất bổ sung và ở dạng tự nhiên như folate trong một số thực phẩm. Nó cần thiết cho việc sản xuất, tăng trưởng và chức năng của các tế bào hồng cầu. Sự thiếu hụt axit folic có thể dẫn đến mức ALT tăng cao. Bạn nên ăn các loại thực phẩm có nhiều folate như: các loại rau màu xanh đậm như rau bina, cải xoăn và cải bruxen; hạt đậu; đậu phộng; hạt hướng dương; các loại ngũ cốc nguyên hạt,... 

- Trái cây giàu vitamin C:

Trái cây giàu vitamin C có rất nhiều trong tự nhiên như cam, chanh, bưởi, kiwi, táo,... có thể hỗ trợ hạ nồng độ men gan hiệu quả. Các loại trái cây này cũng được biết đến với đặc tính chữa bệnh gan.

Trái cây giàu vitamin C tốt cho người men gan cao

 

- Thực phẩm cung cấp vitamin A:

Một số loại thực phẩm được biết đến với hàm lượng vitamin A cao như sữa bò, lòng đỏ trứng, gan động vật, cà rốt, hẹ, rau muống, rau chân vịt, tỏi tây, bắp cải,...

- Thực phẩm chứa vitamin B1, B2 và B6:

Thực phẩm chứa vitamin B1 như: Mạch nha, giá, đậu, lạc, rau xanh, hoa quả,... Một số thực phẩm chứa vitamin B2 như hạt kê, đậu nành, trứng, sữa,..., chứa vitamin B6 như gan động vật, cật, thịt nạc,... 

- Thực phẩm giàu axit béo omega-3:

Người có men gan cao nên ăn thực phẩm giàu omega-3, vì đây là axit béo lành mạnh, nó ức chế việc tích tụ chất béo trong gan, từ đó, hỗ trợ giảm men gan về mức cho phép. Các loại cá béo chứa nhiều omega-3 là: Cá hồi, cá mòi, cá ngừ,...

- Thực phẩm giàu protein:

Protein là chất nền tảng của tất cả các lớp mô tế bào trong cơ thể, khi bị men gan cao do tế bào gan bị tổn thương, chức năng miễn dịch cơ thể giảm nên cần nhiều protein để phục hồi và tăng cường chức năng miễn dịch. Các loại thực phẩm chứa nhiều protein mà người bệnh có thể ăn là: Thịt nạc, trứng, cá, mực, đậu,...

 

- Dầu oliu: Dầu ô liu có thể giúp làm giảm mức độ enzyme trong gan. Nó cũng giúp làm giảm sự tích tụ chất béo trong gan.

- Tỏi: Sử dụng tỏi trong thực phẩm của bạn thường xuyên có thể giúp hỗ trợ sức khỏe của gan. Các chất dinh dưỡng có trong tỏi như allicin, vitamin B6, vitamin C và selen giúp thải độc tố ra khỏi cơ thể. Tỏi cũng kích thích các enzyme gan hỗ trợ tiêu hóa.

 

Nhóm thực phẩm mà người bệnh không nên ăn

 

Để cải thiện tình trạng men gan cao, người bệnh cần tránh hoặc hạn chế một số loại thực phẩm sau:

- Đồ uống có cồn như rượu bia, đồ uống có ga: Đây là những đồ uống khiến gan phải làm việc vất vả hơn, khiến tình trạng tăng men gan càng nặng hơn.

- Đồ ăn nhiều đường: Tránh xa các loại thực phẩm có nhiều đường như kẹo, bánh quy, nước ngọt và nước hoa quả do chúng làm tăng lượng chất béo tích tụ trong gan. 

- Thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ: Làm cho chất béo trong cơ thể tăng lên dễ gây bệnh gan nhiễm mỡ, máu nhiễm mỡ,…yếu tố làm tăng men gan.

- Muối: Ăn quá nhiều muối có thể khiến cơ thể giữ nước dư thừa. Hãy tập thói quen hạn chế natri dưới 1.500 miligam mỗi ngày.

- Đồ ăn cay nóng: Ăn nhiều thực phẩm cay nóng có thể làm nặng thêm các triệu chứng của men gan cao, đặc biệt là mẩn ngứa. Thêm vào đó, đồ cay nóng cũng có thể làm tăng áp lực tĩnh mạch gan, gây tăng men gan.

 

Men gan cao không nên ăn đồ ăn cay nóng

 

Người bệnh muốn cải thiện tình trạng men gan cao thì ngoài chế độ ăn uống cũng cần phải lưu ý một số vấn đề sau:

 

- Ăn đúng giờ, ngủ đủ giấc. Cân đối thời gian làm việc và nghỉ ngơi. Không nên thức khuya.

- Tập luyện thể dụng thể thao hàng ngày để tăng sức đề kháng, hỗ trợ chức năng gan.

- Nên thăm khám bác sĩ để được hướng dẫn cách điều trị hiệu quả.

- Không lạm dụng thuốc điều trị.

- Bỏ thuốc lá, rượu bia.

- Giảm cân một cách khoa học nếu cân nặng vượt quá mức cho phép.

 

Trên đây là chế độ ăn uống mà người bị men gan cao nên áp dụng. Hy vọng qua bài viết này, người bệnh sẽ có thêm kiến thức bổ ích trong việc chăm sóc sức khỏe giúp cải thiện tình trạng men gan cao của mình.