Để con khỏe mạnh về cả thể chất lẫn tâm hồn

13:55 18/02/2023

Nuôi con khỏe mạnh, xây dựng cho con một nền tảng vững chắc để phát triển toàn diện là nỗi niềm mong mỏi của tất cả các bậc phụ huynh. Nhưng thực hiện được điều này là một chuyện không hề dễ dàng. Vậy cần làm gì để giúp con khỏe mạnh về cả thể chất lẫn tâm hồn, cha mẹ có thể tham khảo ngay một số biện pháp thiết thực sau.

 

Tại sao cần chú trọng giúp con khỏe mạnh về cả thể chất lẫn tâm hồn

   Quá trình trẻ lớn lên gắn liền với sự trưởng thành về cả mặt thể chất lẫn tâm hồn, và trong quá trình đó con sẽ phải đối mặt với rất nhiều thử thách, từ đau ốm bệnh tật, cho đến chuyện học hành hay thậm chí là cả những khía cạnh tiêu cực trong xã hội.

   Trẻ cần khỏe mạnh về mặt thể chất để phát triển cao lớn, chống chọi lại được với muôn vàn loại bệnh tật “rình rập” xung quanh. Trẻ có sức khỏe mới có thể tham gia vào mọi hoạt động từ học hành đến sinh hoạt, vui chơi một cách hiệu quả.

   Trẻ cần khỏe mạnh về mặt tâm hồn để hình thành nên nhân cách tốt đẹp, biết thương yêu gia đình, biết ứng xử trong xã hội, dần trở thành một người trưởng thành đúng nghĩa. Tâm hồn là thứ không thể nghe, nhìn, sờ hay cầm nắm được nhưng nó quyết định rất lớn đến hành vi của trẻ, góp phần giúp trẻ biết cách tự bảo vệ mình trước các cám dỗ ở bên ngoài, bởi cha mẹ không thể mãi cạnh bên con để có thể theo dõi, nhắc nhở con được. 

   Thể chất và tâm hồn là hai khía cạnh tồn tại có ý nghĩa tương hỗ lẫn nhau, dù là khiếm khuyết phần nào cũng là một vấn đề vô cùng nghiêm trọng. Nội dung sau đây sẽ khái quát một số định hướng quan trọng giúp các bậc phụ huynh có cái nhìn rõ hơn về việc chăm sóc 2 khía cạnh này cho trẻ.

Giúp trẻ khỏe mạnh về thể chất

   Có 3 yếu tố quan trọng hàng đầu xây dựng lên sức khỏe thể chất của trẻ gồm: sự phát triển thể trạng, sự phát triển trí tuệ và khả năng đề kháng với các tác nhân gây bệnh.

   Về phát triển thể trạng

   Thể trạng hay gọi nôm na là chiều cao, cân nặng và khả năng vận động của trẻ. Gốc rễ của một thể trạng tốt luôn bắt nguồn từ chế độ dinh dưỡng trẻ được cung cấp hàng ngày. 

Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học cho trẻ

   Cha mẹ cần bổ sung cho con đầy đủ 4 nhóm dưỡng chất trong chế độ ăn: tinh bột, protein, chất béo, vitamin và khoáng chất,… 

   Hạn chế cho trẻ ăn vặt, ăn thức ăn đóng hộp, thức ăn nhanh. Nếu trẻ biếng ăn, cha mẹ cần có thêm những biện pháp kích thích trẻ ăn ngon tự nhiên như: đa dạng hóa thực đơn, trang trí món ăn bắt mắt, tạo tâm lý thoải mái khi ăn,…  

   Về phát triển trí tuệ

   Học tập là việc làm cần thiết để trẻ có thể sớm nhận thức được thế giới xung quanh, tích lũy các kiến thức để trưởng thành về mặt trí tuệ. Thế nhưng, cha mẹ cũng không nên quá áp lực con vào việc học, hãy trân trọng sự nỗ lực của con hơn là đặt nặng vấn đề điểm số. Đặc biệt bên cạnh thời gian học, hãy khuyến khích và dành cho con thời gian vui chơi lành mạnh.

   Việc vui chơi, vận động không chỉ giúp trẻ yêu cuộc sống hơn, linh hoạt hơn mà cũng là một biện pháp quan trọng không thể thiếu trong việc phát triển trí tuệ ở trẻ. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trẻ hay vận động, tập thể dục thể thao thường có kết quả kiểm tra chỉ số thông minh IQ cao hơn, cũng như có khả năng phản ứng trước các tình huống tốt hơn.

Vận động vui chơi góp phần không nhỏ vào việc phát triển trí tuệ trẻ

   Không những thế, việc vận động còn giúp trẻ ăn ngon hơn, ăn khỏe hơn, nâng cao sức khỏe thể chất, giảm nguy cơ đau ốm bệnh tật. Việc trẻ thường xuyên được ra bên ngoài, tiếp xúc với ánh sáng mặt trời còn giúp tăng cường tổng hợp vitamin D, giảm nguy cơ còi xương, tăng sức đề kháng,… Vì vậy, cha mẹ hãy lưu ý không nên bảo bọc con quá mức hoặc để cho trẻ ở trong nhà xem tivi, chơi các đồ điện tử quá nhiều.

   Về tăng sức đề kháng

   Hệ miễn dịch là hệ thống phòng thủ tự nhiên của cơ thể giúp bảo vệ bé trước nguy cơ bệnh tật, hồi phục nhanh hơn khi nhiễm bệnh. Nghiên cứu cho thấy, đến năm 3-4 tuổi hệ miễn dịch của bé mới được xem là dần hoàn thiện nên ba mẹ cần chú ý củng cố cho hệ miễn dịch đầu đời còn non nớt của trẻ. Trong đó, việc giữ gìn sức khỏe hệ tiêu hóa tốt nên được ưu tiên hàng đầu.

   Chúng ta đều biết rằng, hệ tiêu hóa giúp hấp thu dưỡng chất, cung cấp nguyên liệu và năng lượng cho cơ thể phát triển. Nhưng không chỉ có vậy, hệ vi sinh đường ruột (thuộc hệ tiêu hóa) thực chất còn được ví như “bộ não thứ hai” của cơ thể khi có khả năng ảnh hưởng đến cảm xúc, suy nghĩ và hành vi. Trên hết, đây còn là nơi tham gia quyết định 80-90% khả năng hoạt động của hệ miễn dịch. 

Hệ vi sinh đường ruột khỏe mạnh duy trì hệ miễn dịch tốt

   Các cha mẹ cũng có thể dễ dàng quan sát thấy, trẻ hay bị bệnh tiêu hóa thường rất ốm yếu, ngược lại trẻ hay ốm yếu cũng rất dễ bị bệnh tiêu hóa. Vì vậy, nếu trẻ có vấn đề tại hệ cơ quan này, bạn đừng chủ quan, hãy cho trẻ thăm khám và thực hiện các biện pháp khắc phục triệt để càng sớm càng tốt. Đồng thời bạn cũng có thể tham khảo thêm các biện pháp hỗ trợ như bổ sung điện giải, bổ sung lợi khuẩn,…

   Bên cạnh đó, hãy cho trẻ có một môi trường sống trong lành, giữ gìn tốt vệ sinh nhà cửa và không gian sống xung quanh. Bạn nên dạy trẻ những thói quen vệ sinh tốt, tạo dựng thói quen rửa tay sạch sẽ, đúng cách trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, ho, hắt hơi hoặc sau khi chơi đùa. Điều này sẽ giảm thiểu nguy cơ trẻ bị tác nhân gây bệnh tấn công.

   Nếu thực hiện tốt, 3 yếu tố thể chất, trí tuệ, sức đề kháng sẽ tạo thành thế “kiềng 3 chân” giúp con bạn phát triển khỏe mạnh toàn diện.

Giúp trẻ khỏe mạnh về tâm hồn

   Tâm hồn tuy là một khái niệm trừu tượng nhưng ba mẹ có thể đánh giá được qua tính cách của con, thái độ ứng xử của con trước các sự vật, sự việc, cũng như cách mà con quan tâm đến người thân, bạn bè. Để giúp trẻ phát triển những điều đó theo hướng tích cực, phụ huynh cần lưu ý một số điều như sau:

   Cha mẹ cần phải là người làm gương

   Dạy cho con về các tiêu chuẩn đạo đức, những điều nên làm và không nên làm là rất cần thiết nhưng quan trọng nhất là cha mẹ cũng phải làm đúng theo những gì đã dạy con, làm gương cho con. Trẻ con thường có xu hướng bắt chước theo hành vi, cách sống của ba mẹ hơn là làm theo những gì chúng được dạy.

   Theo các nghiên cứu thực tiễn đã chỉ ra, một gia đình có cha mẹ ông bà yêu thương nhau thì đứa trẻ cũng trở thành người giàu đức tính, biết quan tâm người khác. Ngược lại, rất nhiều trường hợp trẻ phạm tội đánh nhau, trộm cắp hay thậm chí là các tội hình sự nặng hơn nữa thường lớn lên trong gia đình có yếu tố bạo lực, ba mẹ thường xuyên cãi vã, đánh đập nhau.

   Cho con tham gia những hoạt động xã hội ý nghĩa

   Có rất nhiều hoạt động xã hội giàu ý nghĩa mà bạn cũng có thể cho con tham gia hoặc hơn nữa là tham gia cùng con như: hoạt động từ thiện, ngày trái đất, hoạt động tuyên truyền về an toàn giao thông, hoạt động vệ sinh môi trường… 

Cho trẻ tham gia hoạt động xã hội ý nghĩa

   Điều này không chỉ gia tăng gắn kết tình cảm gia đình mà còn giúp con nhận thức về trách nhiệm xã hội, xây dựng lòng tốt.

   Khuyến khích thói quen đọc sách

   Hình thành được thói quen đọc sách từ nhỏ không chỉ giúp trẻ có khả năng tự học tốt hơn mà sách còn đem lại nhiều vốn sống, nhiều câu chuyện thú vị giúp con nuôi dưỡng tâm hồn.

   Mong rằng bài viết đã giúp các bậc phụ huynh có thêm nhiều thông tin bổ ích trong việc nuôi dạy con, giúp con khỏe mạnh toàn diện về cả thể chất lẫn tâm hồn.